Gián là loài côn trùng với tập tính sống ở mọi nơi bẩn thỉu, là trung gian truyền một số loại bệnh như tiêu chảy, dịch tả… là thủ phạm gặm nhấm và làm hư hỏng các vật dụng như quần áo, sách vở, ăn các vật dụng làm bằng gỗ, phá hại nhiều ngôi nhà cổ không được bảo vệ tốt… Những mối lo ngại đó khiến chúng ta thường có tâm lý "không cho nó thoát" khi nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, khi mà loài gián bị xóa sổ hoàn toàn thì lúc ấy, cuộc sống của con người liệu có "dễ thở" hơn không?
Đem thắc mắc đến hỏi Giáo sư Srini Kambhampati, trưởng bộ môn sinh học Đại học Texas tại Tyler, ông cho biết trên thực tế, loài gặm nhấm này mang lại những tác dụng không hề nhỏ và cuộc sống sẽ bị xáo trộn phần nào nếu chúng đột ngột biến mất.
Trên thế giới, côn trùng nói chung là nguồn thực phẩm quan trọng cho nhiều loài chim và động vật có vú nhỏ chuyên ăn sâu bọ, chẳng hạn như chuột. Tất nhiên, quá trình tồn tại của chúng không chỉ dựa vào một mình loài gián. Cho nên nếu loài gián có mất đi thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến sự xuất hiện đó, chỉ có điều số lượng của chúng chắc chắn sẽ giảm sút, kéo theo vô vàn bất lợi khác. Chẳng hạn, sự suy giảm "dân số" chuột là nỗi ám ảnh với các loài săn chuột gồm mèo (cả mèo nhà và mèo hoang), chó sói, đại bàng hay một số giống chim và bò sát khác.
Cá biệt ở không ít loài phụ thuộc hoàn toàn vào gián như ong bắp cày ký sinh trên trứng gián, "gần như chắc chắn sẽ bị tuyệt chủng", Kambhampati nói.
Ngoài ra, nếu điều đó trở thành hiện thực thì hệ quả tất yếu không thể không nhắc đến chính là sự hỗn loạn của cái gọi là chu kỳ nitơ.
Gián hầu như chỉ ăn các chất hữu cơ thối rữa chứa rất nhiều nitơ. Nhờ đó, nitơ trong phân gián là nguồn dinh dưỡng dồi dào cho nhiều loài thực vật. Nói cách khác, sự tuyệt chủng của loài gián sẽ ảnh hưởng lớn đến các khu rừng cùng những sinh vật sống ở đó.
Vì thế, trước khi có ý định giết chúng, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ những điều trên và biết đâu nó sẽ làm thay đổi hành động của bạn!